GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 1 - SỰ TÍCH BÁNH CHƯNG, BÁNH DÀY

      Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!

      Vậy là chỉ còn mấy ngày nữa thôi chúng ta lại được đón cái Tết Nguyên đán rồi! Các bạn nhỏ có thích tết không? Hẳn là bạn nào cũng thích tết, vì Tết chúng ta có quần áo mới, được sum vầy bên gia đình, cùng làm bánh chưng, bánh dầy, được đi chơi, được mừng tuổi, và được nhận biết bao lời chúc tốt đẹp nữa đúng không nào?

      Thế nhưng trong các bạn đã bao giờ tự hỏi hay hỏi mọi người về phong tục Tết cổ truyền chưa? Để tìm hiểu rõ hơn về ngày tết cổ truyền dân tộc. Hôm nay Thư viện nhà trường xin giới thiệu đến các bạn cuốn truyện tranh cổ tích Việt Nam “Sự tích bánh chưng, bánh dày”. Do NXB Kim Đồng xuất bản năm 2017 nhé.

      Các bạn học sinh thân mến, khi nói đến Tết ông cha ta hay có câu

                                  “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
                         Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”

      Trong dịp tết cổ truyền Việt Nam, trên mâm cúng gia tiên của bất kỳ gia đình nào cũng không thể thiếu một thứ bánh đậm đà dân tộc Việt nam đó là món bánh chưng xanh. Bánh chưng xanh có từ đâu và vì sao bánh chưng xanh lại được đặt trân trọng trên bàn thờ trong ngày tết như vậy.

      Người Việt Nam từ bao đời nay không ai là không biết về sự tích bánh chưng, bánh dày. Đây là câu chuyện tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt Nam ta thời xưa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúa nước. Sự tích trên muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống hiếu kính; lời giải thích ý nghĩa cũng như nguồn cội của bánh chưng, bánh dày là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

      Bên cạnh đó, bánh chưng, bánh dày còn mang những ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh. Theo dân gian, bánh chưng hình vuông, có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc âm, tượng trưng cho đất. Bánh dày hình tròn không có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc dương, tượng trưng cho trời nên phải màu trắng, không nhân không vị. Còn theo tín ngưỡng phồn thực dân gian thì bánh chưng, bánh dầy còn mang ý nghĩa của sự sinh sôi, nảy nở.

      Bánh chưng âm dành cho mẹ, bánh dầy dương dành cho cha. Trên mâm lễ dâng cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, bánh chưng biểu tượng cho cha Rồng, bánh dày biểu tượng cho mẹ Tiên, mà theo truyền thuyết, đó là khởi thủy cho cộng đồng dân tộc Lạc Việt sau này.

       Kính thưa toàn thể bạn đọc. Nếu trước kia, bánh chưng, bánh dày chỉ có mặt trong những dịp lễ Tết, vào ngày Giỗ Tổ hay khi gia đình có công việc, thì bây giờ, ở nhiều nơi, nhất là ở những đô thị hiện đại, bánh chưng, bánh dày đã trở thành một thứ hàng quà, được bán hàng ngày phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân. Nó được coi như một loại bánh để ăn chơi, có khi là thay thế bữa ăn sáng, ăn chiều, có khi là món ăn dùng trong những dịp cưới xin, giỗ chạp.


1. Bánh chưng bánh giầy: Truyện tranh/ Tranh: Nguyễn Mạnh Thái.- H.: Mỹ thuật, 2017.- 20tr.: tranh màu; 24cm.- (Kho tàng cổ tích Việt Nam)
     ISBN: 9786047852222
     Chỉ số phân loại: 398.209597 NMT.BC 2017
     Số ĐKCB: TN.01720,

      Tất cả những điều cô vừa chia sẻ ở trên đều được thể hiện rất rõ trong cuốn sách “Sự tích – bánh chưng, bánh dày”. Vậy cuốn sách có nội dung hấp dẫn và bổ ích như thế nào? Thì cô mời các bạn học sinh cùng đến Thư viện của nhà trường để tìm đọc nhé!

      Buổi giới thiệu sách đến đây xin được khép lại. Chuc các bạn học sinh một ngày tràn đầy niềm vui và có nhiều bài học thật bổ ích nhé!

      Xin chân trọng cảm ơn.